Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Những liệu pháp trị đau họng tại nhà

Khi chúng ta bị đau họng, chúng ta có thể có cảm giác ngứa ở họng, khó nuốt, đau hoặc sưng các tuyến ở vùng cổ hoặc hàm. Đôi khi kèm theo các triệu chứng như: hắt hơi, ho, sổ mũi và sốt.

Nguyên nhân gây đau họng

Những nguyên nhân thường gặp gây đau họng:

- Do virut cảm lạnh hay cảm cúm gây nên

- Thời tiết khô hanh

- Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá

- Dị ứng

viêm họng

Trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ bị đau họng nhiều hơn người trưởng thành. Tiếp xúc với người bị viêm họng, amidan bất thường hoặc viêm, hệ thống miễn dịch yếu, tất cả đều làm tăng nguy cơ đau họng.

Nguyên nhân đau họng có thể là từ vi khuẩn nhóm Streptococcus gây viêm họng. Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ(CDC), khoảng 20-30 trường hợp trên 100 trẻ em đau họng là viêm họng. Ở người lớn viêm họng chiếm 5-15 trường hợp trong tổng số 100 trường hợp đau họng.

Đau họng thường hết sau 3-4 ngày, một vài trường hợp có thể có biến chứng. Một biến chứng nguy hiểm của đau họng là thấp khớp cấp - gây ảnh hưởng tới tim và khớp.

Một số liệu pháp tự làm sau sẽ giúp bạn giảm đau họng tại nhà.

Biện pháp chữa đau họng tự nhiên

Khi bị đau họng, các biện pháp sau có thể giúp hồi phục:

- Nghỉ ngơi nhiều

- Chế độ ăn lành mạnh

- Uống nhiều nước

Những biện pháp trên giúp giảm đau và các triệu chứng tốt hơn.

Súc miệng nước muối ấm

Một biện pháp đơn giản để điều trị đau họng là súc họng bằng nước muối ấm. Cho ½ muỗng cà phê muối vào cốc nước ấm. Không cho quá nhiều muối vì lượng muối nhiều có thể làm khô họng.

Cần chú ý,không nuốt nước muối, chỉ súc họng rồi nhổ ra. Với những người bị đau họng có thể thêm một muỗng cà phê giấm táo vào cốc nước muối ấm vì giấm táo có tính sát khuẩn.

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyên nên súc miệng bằng hỗn hợp: 1 thìa cà phê baking soda + 1 thìa cà phê muối + 1 lít nước.

Uống nước ấm pha với thảo dược

Những người đau họng cũng thể uống mật ong hoặc chanh pha với nước ấm để làm giảm đau họng.

thảo mộc trị viêm họng

Những thành phần khác có thể thêm vào nước ấm để làm dịu họng bao gồm: cây xô thơm (cây ngải đắng), bột nghệ, mao lương hoa vàng. Tuy nhiên, cần tìm hiểu rõ các tác dụng khác của thảo mộc đến cơ thể.

Vì chất lỏng ấm có thể làm long và giảm chất nhầy nên chúng ta có thể ngậm nước ấm hoặc các dung dịch ấm để tăng hiệu quả.

Giảm đau họng với tỏi

Không phải ai cũng muốn làm như vậy, một số người nói rằng chỉ cần nhai một nhánh tỏi cũng giúp giảm đau họng. Điều này có thể là do tỏi có thành phần gọi là allicin- có tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virut.

Mọi người không nên có suy nghĩ sai lầm rằng tỏi nấu chín cũng có tác dụng tương tự và dùng thay thế tỏi sống. Allicin được kích hoạt bằng cách nhai, cắt hoặc nghiền mà không phải bằng nhiệt độ. Do đó tỏi đã nấu chín không có tác dụng chữa bệnh như tỏi sống.

Cần nghiên cứu thêm để có các công bố về tác dụng của tỏi đối với đau họng.

Biện pháp dễ dàng hơn là ngậm kẹo cứng. Giống như viên ngậm hoặc thuốc ho, kẹo cứng làm tăng tiết nước bọt giúp bôi trơn họng. Không dùng kẹo cứng cho trẻ nhỏ vì kẹo cứng là một nguy cơ gây ngạt thở.

Những người bị đau họng nên tránh xa cà phê và đồ uống có cồn vì chúng có thể gây mất nước dẫn tới khô họng.

Biện pháp dùng thuốc không cần bác sĩ kê đơn

Chúng ta có thể dùng thuốc xịt tê để làm giảm đau họng. Những loại thuốc xịt có sẵn tại quầy thuốc như: dyclonine và phenol.

Các loại thuốc giảm đau có sẵn như: acetaminophen, ibuprofen và naproxen có thể giúp giảm đau. Không dùng aspirin cho trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên.

Các thuốc kháng sinh không thường được kê để điều trị viêm họng. Nghiên cứu chỉ ra rằng: dùng kháng sinh chỉ làm giảm triệu chứng sớm hơn 16 giờ.

Khi nào cần tới bác sĩ

Mặc dù đau họng rất phổ biến và thường khỏi không để lại di chứng gì, tuy nhiên, một vài trường hợp cần phải dùng thuốc.

Những người bị đau họng sẽ cần đến sự giúp đỡ y tế nếu có các dấu hiệu:

- Đau họng kéo dài trên 1 tuần.

- Khó nuốt hoặc khó thở

- Nhiệt độ cao trên 38o C

- Phát ban

- Đau khớp

- Có máu trong nước bọt hoặc đờm.

Nếu trẻ em bị đau họng kèm theo sốt cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được kiểm tra.

Trà Giang

(theo Medical News Today)

Cách ngừa cảm lạnh

Tôi hay bị cảm lạnh nhất là khi đi ngoài đường gặp mưa dù chỉ là mưa nhỏ của mùa xuân. Xin hỏi nguyên nhân vì sao? Có phải tôi bị dị ứng nước mưa không? Cách nào để phòng ngừa?

Nguyễn Thị Hồng Ngát (hongngat@gmail.com)

Cảm lạnh là tình trạng viêm mũi cùng với viêm họng do virut gây ra (có tới hơn 200 loại virut gây bệnh này). Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế lây lan virut. Những người hệ miễn dịch kém có khả năng mắc bệnh rất cao. Thiếu ngủ và suy dinh dưỡng cũng dễ bị cảm lạnh vì hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Cảm lạnh thông thường bắt đầu với sự mệt mỏi, toàn thân rã rời, cảm giác lạnh toàn thân, hắt hơi, đau đầu kéo dài trong vài ngày, sau đó là chảy mũi và ho. Các triệu chứng có thể bắt đầu sau 16 giờ mắc bệnh, đỉnh điểm 2-4 ngày sau khi khởi phát. Các triệu chứng thường chấm dứt sau 7-10 ngày nhưng một số có thể kéo dài tới 3 tuần. Cảm lạnh thường xảy ra hơn trong những ngày lạnh và mưa, đó là nguyên nhân vì sao bạn cứ dính nước mưa là bị cảm lạnh. Thời tiết lạnh làm hệ thống hô hấp của con người nhạy cảm hơn. Nhưng một số virut gây cảm lạnh xuất hiện theo mùa và xảy ra thường xuyên hơn trong điều kiện thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt của mùa xuân ở miền Bắc. Vì vậy, để phòng cảm lạnh cần giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm cổ và chân, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe. Đồng thời dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật.

BS. Trần Kim Anh

Chăm sóc răng miệng tốt giúp dự phòng nguy cơ viêm phổi

Viêm phổi không phải là bệnh "lành tính", đặc biệt ở trẻ em. Mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em chết do nguyên nhân viêm hoặc có khoảng 1 người chết mỗi 20 giây. Ở Pháp có khoảng 500.000 người mắc viêm phổi mỗi năm, trong đó có 16.000 người chết. Đây là nguyên nhân thứ 2 của nhiễm trùng cơ hội sau nhiễm trùng đường tiết niệu.

viem phoi, cham soc rang mieng tot giam nguy co viem phoi

Các nhà nghiên cứu của Mỹ đã tiến hành phân tích số liệu y tế của 26.246 người, họ nhận thấy rằng những người thường thăm khám nha sĩ thường xuyên có nguy cơ mắc viêm phổi ít hơn 86% trong suốt cuộc đời của họ.

Theo Tiến sĩ Michelle Doll-Tác giả chính của công trình nghiên cứu cho biết "cơ thể chúng ta luôn có những vi khuẩn, virus, nấm…một vài chủng vi khuẩn là có lợi, một số có hại…khi những vi khuẩn này được hít vào trong phổi khu trú ở đó và chính điều này đã gây viêm phổi.

Nguyên nhân gây viêm phổi có thể do Streptocoque, Haemophilus influenzae, Staphylocoque hoặc các vi khuẩn kị khí khác…và khi bạn đi thăm khăm nha sĩ thường xuyên giúp giảm những vi khuẩn "có hại" hiện diện trong miệng và giảm nguy cơ mắc viêm phổi.

Tốt nhất nên thăm khám nha sĩ tối thiểu mỗi 12 tháng một lần. Các bạn đừng quên rằng trong có thể, các cơ quan thường có liên kết với nhau. Theo Tiến sĩ Doll thì "Sức khỏe răng miệng có liên quan đến các bệnh lý hô hấp và tim mạch".

Vệ sinh răng miệng đúng cách không chỉ giúp ngăn ngừa các bệnh về răng và nướu mà còn giảm đáng kể nguy cơ viêm phổi.

Bs Ái Thủy

(theo Top Sante)

Phòng bệnh ho gà ở trẻ

Nhiều năm trở lại đây ít người dân quan tâm đến bệnh ho gà, thậm chí có người nghĩ bệnh đã được loại trừ từ lâu. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ chủ quan không cho con tiêm văc-xin phòng bệnh ho gà. Tuy nhiên, ho gà là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây tử vong và ở nước ta vẫn rải rác có người mắc bệnh.

Nhiều trẻ mắc ho gà vì không tiêm phòng

Một tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ vào viện trong tình trạng suy hô hấp do ho gà dai dẳng. Điều đáng nói là các bé này đều không được gia đình tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Điển hình là bé V. P. D. 2 tháng tuổi ở Hải Phòng vừa được ra viện sau 2 tuần điều trị thở ôxy tại khoa Hô hấp. Theo lời người nhà, cách đây 1 tháng, bé D. ho từng cơn rũ rượi, tiếng thở rít, sau cơn ho xuất hiện tím tái, thỉnh thoảng có cơn ngừng thở. Tại bệnh viện tỉnh, cháu được chẩn đoán viêm phế quản phổi và điều trị trong 10 ngày. Tuy nhiên, do bệnh tình không thuyên giảm, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua thăm khám và chụp X quang phổi, các bác sĩ nhận thấy cháu có bội nhiễm viêm phế quản, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, xét nghiệm dịch mũi họng cho kết quả dương tính với virut ho gà. Gia đình cho biết cháu D. chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh này.

Tiêm phòng vắc-xin “5 trong 1” cho trẻ tại Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo (TP. Hạ Long - Quảng Ninh). Ảnh: Thu Nguyệt

Bệnh dễ lây lan

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn ho gà gây nên. Bệnh lây theo đường hô hấp, lây lan mạnh nhất trong 1 - 2 tuần đầu của bệnh. Do vi khuẩn có trong những hạt nước bọt bắn ra từ mũi, miệng bệnh nhân khi ho, hắt hơi trực tiếp sang người lành. Theo nghiên cứu, ho gà chủ yếu lây lan do tiếp xúc với người mang mầm bệnh ngay trong nhà (70 - 100%) hơn là tại trường học (25 - 50%). Trẻ em, người không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ dễ bị mắc bệnh ho gà và có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa lạnh nhất là mùa đông xuân. Vì trong những ngày thời tiết thường xuyên ẩm ướt không khí không nóng cũng không lạnh chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn ho gà sinh sôi và phát triển.

Nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis đi vào đường hô hấp trên rồi sau đó khu trú và phát triển ở đường thanh quản, khí quản, ở đó vi khuẩn sẽ tiết ra một loại độc tố Pertussis toxin - đây là loại protein độc lực chính đóng vai trò gây bệnh.

Dấu hiệu nhận biết

Thời kỳ ủ bệnh trung bình 5 - 12 ngày; thời kỳ khởi phát (hay còn gọi giai đoạn xuất tiết, giai đoạn viêm long): Thường từ 3 - 14 ngày với các biểu hiện sốt nhẹ, từ từ tăng dần kèm theo các biểu hiện ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn; Thời kỳ toàn phát (hay giai đoạn co thắt, giai đoạn ho cơn): Thường kéo dài 1 - 2 tuần. Xuất hiện những cơn ho điển hình, ho nhiều về đêm. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít vào và khạc đờm.

Ở giai đoạn đầu, bệnh thường biểu hiện bằng ho nhẹ. Sau ho sẽ nặng dần theo từng cơn và kéo dài cả vài tháng nếu không điều trị. Trong thời kỳ này trẻ có những cơn ho kéo dài, ho rũ rượi không ngừng khiến người bệnh bị chảy nước mắt, nước mũi. Các giai đoạn ho nặng kèm theo thở rít vào và thường xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít. Tiếp theo là khạc đờm, biểu hiện là đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Sau mỗi cơn ho trẻ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Kèm theo có thể thấy một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ hoặc hoặc không sốt, mặt và mi mắt nặng. Một số trẻ nặng sau cơn ho làm trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người do bị suy hô hấp, bệnh nhân có thể tử vong vì bị nghẹt thở.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Bệnh ho gà gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê biến chứng chiếm khoảng 5 - 6%, tập trung ở trẻ dưới 6 tháng. Nhiễm trùng là biến chứng chính với biểu hiện bệnh viêm phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, viêm tai, trong đó viêm phổi thường gặp nhất và gây tử vong cao.

Nhân viên y tế điều trị cho trẻ mắc bệnh ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tiếp theo là biến chứng thần kinh thường xảy ra ở trẻ dưới 12 tháng tuổi với triệu chứng co giật, bệnh lý não (tỷ lệ 0,9/100.000 ca). Trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật. Nếu được cấp cứu có thể để lại di chứng như liệt nửa người, liệt một chi, liệt dây thần kinh so não hoặc rối loạn tâm thần. Biến chứng do tăng áp lực ở lồng ngực hay bụng sẽ gây xuất huyết (mắt, mặt, mũi, nội sọ), tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi, thoát vị rốn - bẹn, sa trực tràng. Nhiều trường hợp trẻ còn bị mất nước, sụt cân. Những trường hợp trẻ bị ho gà dẫn đến tử vong, nguyên nhân thường do bị viêm phổi, hít sặc (tập trung chủ yếu ở trẻ dưới một tuổi chiếm 3/4).

Phòng bệnh

Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ là biện pháp hiệu quả giúp giảm số trường hợp mắc bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, đặc biệt đối với trẻ em, có thể bảo vệ được 90-95% trẻ. Ở nước ta, sau khi Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia được triển khai, tất cả trẻ dưới 1 tuổi được gây miễn dịch cơ bản bằng 3 liều vắc-xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) và có thể tiêm bổ sung cho trẻ trên 18 tháng tuổi bằng 1 mũi vắc-xin DPT (mũi thứ 4). Hiện nay, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm 1 liều vắc-xin 5 trong một (gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b, viêm màng não do Haemophilus Influenzae).

Để phòng bệnh ho gà và các bệnh lây nhiễm cho trẻ, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ, người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh cho trẻ. Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, càng nên hạn chế tiếp xúc đông người, vì có thể lây nhiễm nhiều loại vi-rút nguy hiểm.

Khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ bị biến chứng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Quang

5 lời khuyên giúp bạn sống lâu, sống khỏe

“Tiêm chủng đúng lịch, sàng lọc một số dạng ung thư (ví dụ sàng lọc ung thư đại-trực tràng, phụ nữ sàng lọc cả ung thư vú và ung thư cổ tử cung), làm xét nghiệm máu sàng lọc các bệnh như tiểu đường và HIV”, tiến sĩ Paul Erwin, trưởng khoa sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học Tennessee (Mỹ) cho biết.

5 lời khuyên giúp bạn sống lâu, sống khỏe

Tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng. “Các khuyến nghị hiện tại kêu gọi tập thể dục 150 phút/tuần với cường độ vừa phải hoặc 75 phút/tuần với các bài tập gắng sức (hoặc kết hợp tập luyện vừa phải với tập luyện gắng sức). Nếu bạn không thể chạy bộ, bơi lội hoặc tập yoga, hãy cắt cỏ bằng máy cắt cỏ tự đẩy thay vì xe cắt cỏ có người lái. Đỗ xe ở nơi xa hơn thay vì luôn tìm chỗ đỗ sát nhà. Leo cầu thang bộ thay vì dùng thang máy”, tiến sĩ Erwin nói.

Không hút thuốc lá, một trong những nguyên nhân gây tử vong và tử vong sớm có thể phòng ngừa được. Nếu hiện bạn vẫn hút thuốc lá, hãy tìm cách bỏ thuốc, tiến sĩ Erwin nhấn mạnh.

Dinh dưỡng hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và tăng tuổi thọ. “Những gì chúng ta ăn quan trọng hơn nhiều so với việc chúng ta ăn bao nhiêu. Hãy quan tâm tới thực phẩm bạn ăn”.

Cuối cùng tiến sĩ Erwin khuyên nên thực hành và duy trì sự hài hòa và cân bằng trong cuộc sống – giữa công việc và chơi, giữa nghỉ nghơi và hoạt động, đảm bảo sự cân bằng về cả thể chất, tâm trí và tinh thần.

BS P.Liên

(Theo Healthday)

Biểu hiện bệnh viêm khớp dạng thấp

Tôi 55 tuổi, thường xuyên bị đau khớp vai nhất là khi thời tiết thay đổi và đêm ngủ hai bàn tay đau và khó cử động. Xin hỏi có phải tôi bị viêm khớp dạng thấp?

Phan Thị Bích Hằng(bichhang@gmail.com)

Viêm khớp dạng thấp là bệnh thường gặp. Đa số trường hợp viêm khớp khởi phát từ từ và tăng dần, nhưng cũng có khi bắt đầu đột ngột với những triệu chứng cấp tính. Trước khi dấu hiệu ở khớp xuất hiện, bệnh nhân có thể thấy các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, đau nhức và khó cử động khớp khi ngủ dậy. Khoảng 2/3 trường hợp bắt đầu bằng viêm một khớp, thường là khớp nhỏ ở bàn tay, sau lan xuống khớp gối, bàn chân, cổ chân, ngón chân... đối xứng hai bên, khớp sưng đau, hạn chế vận động, ít nóng đỏ,... Các khớp viêm tiến triển nặng dần dẫn đến tình trạng dính, biến dạng khớp, thậm chí có thể gây tàn phế. Ở giai đoạn đầu, khi khớp mới bị sưng nóng nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn II, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động. Ngoài ra, các biến chứng hay gặp ở bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp là: có thể bị loãng xương và dễ gãy do phải dùng các loại thuốc điều trị kháng viêm kéo dài. Hơn nữa, nguy cơ bị đau tim tăng 60% ở những người bị mắc chứng viêm khớp dạng thấp. Do vậy, khi có các biểu hiện viêm khớp dạng thấp như trên người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng đáng tiếc.

BS. Vũ Ngọc Anh

Sơ cứu vết cắt và vết cào xước

Vết cắt và vết cào xước nhỏ không cần tới phòng cấp cứu. Nhưng việc xử trí thích hợp là cần thiết để phòng nhiễm khuẩn và các biến chứng khác. Sau đây là các chỉ dẫn giúp bạn chăm sóc những vết thương như vậy:

1. Rửa tay: rửa tay giúp tránh nhiễm trùng. Cũng cần đeo găng tay bảo vệ dùng một lần nếu có sẵn

2. Cầm máu: Những vết cắt hoặc vết cào xước nhỏ thường tự cầm. Nhưng nếu chúng không tự cầm được, hãy băng ép bằng một miếng vải hoặc miếng băng sạch. Giữ băng ép liên tục từ 20 đến 30 phút, và nâng cao vết thương nếu có thể. Không kiểm tra liên tục xem vết thương hết chảy máu chưa vì điều đó có thể làm bật cục máu đông vừa hình thành và gây ra chảy máu tiếp tục. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy hoặc máu phun ra sau băng ép liên tục thì hãy đến gặp bác sĩ.

3. Rửa vết thương: Rửa vết thương bằng nước sạch. Không dùng xà phòng vì dễ kích ứng nên cần tránh xà phòng vào vết thương. Nếu vết thương vẫn còn bẩn và nhiều dị vật, dùng nhíp được rửa bằng cồn rồi gắp bỏ dị vật. Nếu dị vật vẫn còn sau đó, hãy đến gặp bác sĩ. Rửa kĩ càng vết thương nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng và uốn ván. Dùng khăn rửa mặt rửa sạch xung quanh vết thương bằng xà phòng. Không cần dùng tới nước oxy già hay cồn iod.

4. Dùng kháng sinh: Sau khi rửa sạch vết thương, bôi một lớp mỏng kem hoặc mỡ kháng sinh như Neosporin hoặc Polysporin để giữ ẩm bề mặt. Các sản phẩm này không chứa chất làm tái tạo nhanh nhưng có thể phòng nhiễm trùng và hỗ trợ quá trình tái tạo tự nhiên của cơ thể. Một số thành phần nhất định trong thuốc mỡ có thể gây dị ứng nhẹ. Nếu xuất hiện các ban dị ứng thì ngừng bôi thuốc mỡ.

5. Băng vết thương: Băng vết thương giúp giữ vết thương sạch và tránh các vi khuẩn có hại. Sau khi vết thương lành tương đối, khó nhiễm khuẩn thì bỏ băng, để vết thương tiếp xúc với không khí, việc này thúc đẩy quá trình sửa chữa và tái tạo vết thương.

6. Thay băng: Thay băng hàng ngày hoặc bất cứ khi nào thấy băng ẩm và bẩn. Nếu bạn bị dị ứng với chất dính được sử dụng trong hầu hết các loại băng thì bạn có thể sự dụng loại băng không có chất dính hoặc gạc vô khuẩn được giữ bởi băng giấy, gạc cuộn hoặc băng chun lỏng. Những sản phẩm y tế này có sẵn ở các hiệu thuốc.

7. Khâu vết thương sâu: Nếu vết thương sâu hơn 6 mm hoặc vết thương có bờ nham nhở, để lộ mô mỡ và cơ thì cần khâu lại. Loại băng dính dạng dải hoặc loại băng bướm có thể giữ được vết thương nhỏ, nhưng nếu bạn không đóng được vết thương dễ dàng thì đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể. Sự đóng kín vết thương thích hợp trong vài giờ có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng.

sơ cứu vết cắt và vết cào

Vết cắt nhỏ và cào xước - Hình A cho thấy vết xước (còn gọi là “mài mòn”). Vết xước không đi xuyên qua da, do vậy nó không cần phải khâu. Hình B cho thấy vết cắt đi xuyên qua da. Vết cắt này sâu, do vậy nó cần được khâu. Ảnh: uptodate

8. Theo dõi các dấu hiệu của nhiễm trùng: Nếu vết thương của bạn lâu lành hoặc bạn để ý thấy nó đỏ, đau tăng, chảy nhiều dịch, nóng hoặc sưng thì hãy đến gặp bác sĩ.

9. Tiêm phòng uốn ván: Bác sĩ khuyên nên tiêm phòng uốn ván 10 năm/lần. Nếu vết thương của bạn sâu và bẩn, mũi cuối cùng của bạn đã tiêm hơn 5 năm thì bạn nên đi tiêm thêm một mũi và sau khi bị thương thì tiêm càng sớm càng tốt.

Theo Nghiêm Huyền Trang, Hoàng Thanh Tùng (website Bác sĩ Nội trú)

Chăm sóc trẻ nôn trớChăm sóc trẻ nôn trớUống nhầm thứ tự thuốc tránh thai hàng ngàyUống nhầm thứ tự thuốc tránh thai hàng ngàyMũi nhọn điền kinh và bộ ba xe pháo mãMũi nhọn điền kinh và bộ ba xe pháo mã

(Theo Bác sĩ Nội trú)

7 triệu chứng phụ nữ không nên bỏ qua

Nốt ruồi

Nếu bạn thấy những nốt ruồi mới xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, bạn cũng không nên xem nhẹ. Nếu nốt ruồi có kích thước, hình dạng hoặc bất cứ đặc điểm nào bất thường, bạn cần đi khám bác sĩ để loại bỏ khả năng ung thư da.

Khối u

Mặc dù có khối u ở ngực không có nghĩa là bạn bị ung thư nhưng tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ khi phát hiện thấy dấu hiệu này.

Đau bụng

Đau bụng ở phụ nữ có thể do hội chứng tiền kinh nguyệt. Nhưng nó cũng có thể là do viêm dạ dày hoặc thậm chí là táo bón. Nếu dấu hiệu này xuất hiện thường xuyên, bạn cần đi khám bác sĩ.

Tiểu tiện thường xuyên

Mót tiểu sau cứ mỗi 10-15 phút có thể do nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ có thể cho bạn biết bạn có bị các vấn đề về đường tiết niệu hay không, vì vậy bạn nên đi khám khi gặp tình trạng này.

Ho

Nếu tình trạng ho của bạn kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, đó không phải là tình trạng ho bình thường do tác nhân kích thích trong không khí hoặc thay đổi khí hậu. Đây có thể là một triệu chứng bệnh nghiêm trọng.

Hụt hơi

Nếu đi bộ vài bước hoặc leo vài bậc cầu thang đã khiến bạn thở hổn hển, bạn có thể cần đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.

Lo âu

Lo âu thường trực có thể hủy hoại cuộc sống của bạn. Các vấn đề chưa được giải quyết có thể gây căng thẳng và sau đó ảnh hưởng tới sức khỏe. Huyết áp cao, các vấn đề tiêu hóa và nhiều vấn đề sức khỏe khác là kết quả của căng thẳng và lo âu.

Mất ngủ

Một vấn đề sức khỏe nguy hại khác là mất ngủ. Nếu bạn không thể ngủ, hãy đi khám bác sĩ vì thiếu ngủ lâu dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.

BS Thu Vân

(Theo Boldsky)

Bệnh thận ở trẻ

Các rối loạn thận không phải là không phổ biến ở trẻ em. Không giống như tim, phổi và bệnh gan, các rối loạn thận không gây ra các triệu chứng cho tới khi gần 80% chức năng thận bị suy giảm và do vậy, bệnh thường được chẩn đoán muộn. Điều quan trọng là phụ huynh cần nhận biết những dấu hiệu sớm của bệnh này ở trẻ để phòng tránh. Dưới đây là những điều cần biết về bệnh thận ở trẻ nhỏ:

Các triệu chứng

Tiểu đau

Nước tiểu có màu đỏ/nâu

Dòng nước tiểu yếu

Đi tiểu ít hơn 4 lần/ngày

Đi tiểu nhiều hơn 12 lần/ngày

Sưng phù quanh mắt

Rối loạn tăng trưởng hoặc khuyết tật về xương

Hay cảm thấy khát

Bệnh thận ở trẻ

Các loại bệnh thận

Dị tật đường tiểu, xuất hiện từ khi mới sinh

Sỏi thận

Viêm cầu thận

Hội chứng thận hư

Nhiễm trùng đường tiểu

Suy thận cấp

Bệnh thận mạn tính

Chẩn đoán

Để chẩn đoán và đánh giá độ nặng của bệnh thận, các bác sĩ cần:

Kiểm tra nước tiểu để có thông tin về sự xuất hiện protein, hồng cầu, bạch cầu và tinh thể.

Cấy nước tiểu nên thực hiện trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu.

Ure và creatinine tăng khi thận không hoạt động thích hợp. Các xét nghiệm máu khác như electrolyte, hemoglobin, khí máu đôi khi được yêu cầu.

Siêu âm là một xét nghiệm hữu ích trong bệnh thận. Nó giúp cung cấp nhiều thông tin như kích thước thận, dị tật bẩm sinh (thận đơn/thận đa nang), thận ứ nước (sung thận), tắc đường niệu, sỏi thận, khối u ở thận.

Các xét nghiệm như chụp và sinh thiết thận hiếm khi được yêu cầu.

Điều trị

Điều trị bệnh thận phụ thuộc vào từng cá nhân.

Cần sử dụng thuốc kháng sinh trong 10-14 ngày. Prednisolon (steroid) được sử dụng trong hội chứng thận hư. Đôi khi một số dị tật đòi hỏi phải phẫu thuật chỉnh sửa.

Ở người lớn, khi thận suy, chạy thận được thực hiện và đôi khi ghép thận là lựa chọn du nhất. Việc điều trị cũng tương tự ở trẻ em. Chạy thận có 2 loại: thẩm phân phúc mạc (hay sử dụng ở trẻ em) và chạy thận nhân tạo. Do thận bị suy, những chất như u rê, creatinine, kali, phốt pho và nước bị tích lũy dư thừa trong cơ thể. Những chất này được loại bỏ bởi thẩm tách thận.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần được ghép thận. Tuy nhiên, đây là thủ thuật rất phức tạp và tốn kém.

Phòng ngừa

Điều trị suy thận rất khó khăn, đau đớn và tốn kém. Do vậy phòng bệnh là rất quan trọng.

Nếu có các bất thường về thận kéo dài hơn 3 tháng, mức creatinine huyết cao hoặc thận bất thường trên siêu âm, trẻ cần được tới khám bác sĩ chuyên khoa.

BS Thu Vân

(Theo THS)

Bà bầu dành 10 phút tắm nắng mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc hen ở trẻ

Các nhà khoa học của Đại học Kansax- Mỹ đã nghiên cứu mối liên quan giữa tỷ lệ trẻ mắc hen và lượng ánh nắng mặt trời ở vùng mà bà mẹ đang mang thai ở giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ đang sống. Kết quả nghiên cứu đăng trong Tạp chí kinh tế sức khỏe Hoa Kỳ (American Journal of Health Economics) cho thấy nguy cơ mắc các bệnh hô hấp ở trẻ tăng khi có sự thiếu hụt vitamin D ở bà mẹ.

ba-bau-tam-nang-giam-nguy-co-mac-hen-o-tre

Khi bà bầu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, lượng vitamin D tăng và trẻ sinh ra ít có những triệu chứng của hen. Theo tác giả nghiên cứu thì chỉ cần tắm nắng 10 phút mỗi ngày giúp làm giảm nguy cơ mắc hen ở trẻ sinh ra- Đây là tin vui cho các bà bầu!

Nhưng không nên nghĩ rằng ánh sáng mặt trời là vô hại, nhất là ở phụ nữ mang thai, đôi khi có những đốm nâu trên mặt và ngực. Cho nên hãy bảo vệ vùng da mặt và cổ với kem chống nắng, đội mũ và phơi nắng phần còn lại của cơ thể . Các bà bầu nên nhớ rằng chỉ 10 phút mỗi ngày là đủ để có lượng vitamin D cần thiết.

Tuy nhiên các bà bầu đừng lo lắng nhiều vì thường được bổ sung để tránh sự thiếu hụt này nhưng hãy nhớ rằng vitamin D tổng hợp ít hiệu quả hơn từ thiên nhiên.

Bs Ái Thủy

(theo Metronews.fr)

Xử lý các bất thường hay gặp ở vùng kín bé trai

Các dị dạng ở vùng bìu dễ nhận biết, tuy nhiên, đó là bệnh gì? Cách điều trị như thế nào? Có bắt buộc phải mổ không? Và quan trọng là khi nào thì phải mổ? Các phụ huynh có khá nhiều băn khoăn trước những bất thường ở vùng này.

Thoát vị bẹn - Nang thừng tinh - Tràn dịch màng tinh hoàn

Đây là các bất thường hay gặp nhất ở trẻ em có cùng biểu hiện là “bìu to” và hai bên không cân đối. Cả ba bệnh lý trên là biểu hiện khác nhau của cùng một tình trạng “còn ống phúc tinh mạc” do ống từ ổ bụng thông với bìu không được đóng lại hoàn toàn trong thời kỳ bào thai.

Biểu hiện của bệnh

Thoát vị bẹn: Bìu to lên, mất cân đối mỗi khi trẻ khóc hoặc chạy nhảy, thường là không đau, sau đó lại có thể tự xẹp đi khi nằm. Khi khám sờ thấy lỗ thoát vị rộng, có thể thấy quai ruột tụt xuống bìu.

Cần lưu ý rằng, thoát vị cũng gặp ở trẻ gái với biểu hiện là vùng môi lớn phình to lên, mất cân đối so với bên kia, thường xuất hiện khi gắng sức như khi trẻ khóc, chạy nhảy... sau đó tự xẹp đi khi nằm. Thường gặp là tình trạng buồng trứng và vòi trứng thoát vị xuống môi lớn. Nếu nghẹt, trẻ sẽ rất đau, cần mổ cấp cứu để tránh hoại tử.

Tràn dịch màng tinh hoàn: Bìu to thường xuyên, liên tục, mất cân đối ngay từ sau đẻ. Không đau. Sờ có dấu hiệu kẹp màng tinh hoàn. Siêu âm giúp xác định chẩn đoán.

Nang thừng tinh: Bìu to thường xuyên, liên tục, mất cân đối ngay từ sau đẻ, không đau, có thể sờ thấy “ba hòn”. Siêu âm giúp xác định chẩn đoán.Ẩn tinh hoàn là dị tật sinh dục bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ em.

Ẩn tinh hoàn là dị tật sinh dục bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ em.

Chỉ định điều trị

Thoát vị bẹn: Bắt buộc phải mổ để cắt và khâu lại bao thoát vị. Cần lên kế hoạch mổ sớm nhất có thể để tránh biến chứng nghẹt gây hoại tử ruột hoặc các tạng thoát vị.

Tràn dịch màng tinh hoàn và nang thừng tinh: Không bao giờ mổ trước 2 tuổi vì đây là khoảng thời gian mà ống phúc tinh mạc còn có khả năng tiếp tục kép lại. Nếu ống này đóng kín thì bệnh sẽ khỏi tự nhiên với tỷ lệ khoảng 65% các trường hợp. Sau 2 tuổi mà bìu vẫn to thì hoàn toàn mất cơ hội tự khỏi, khi đó cần mổ để khâu lại ống phúc tinh mạc và hút hết dịch trong nang hoặc trong màng tinh.

Tinh hoàn chưa xuống bìu

Bệnh biểu hiện với “bìu xẹp” lệch nếu ẩn tinh hoàn một bên hoặc xẹp hoàn toàn nếu ẩn tinh hoàn cả hai bên. Không sờ thấy tinh hoàn trong bìu. Cần khám khi trẻ thực sự thư giãn, các cơ thả lỏng. Dùng lòng bàn tay vuốt từ vùng mu xuống bìu có thể cảm thấy tinh hoàn nổi gờ lên. Nếu có lúc tinh hoàn sờ thấy ở bìu, có lúc lại di động lên vùng bẹn, trường hợp này gọi là “tinh hoàn lò xo”.

Ẩn tinh hoàn là bất thường bẩm sinh phổ biến ở hệ sinh dục của trẻ em. Trong vòng khoảng 6 tháng sau sinh, tinh hoàn vẫn có thể tiếp tục quá trình di chuyển và xuống đến đúng vị trí trong bìu. Tuy nhiên, khả năng một tinh hoàn tự di chuyển xuống bìu vào vị trí bình thường không nhiều. Nếu sau 6 tháng tuổi mà tinh hoàn chưa xuống bìu, trẻ cần phải được điều trị để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, dễ xảy ra biến chứng xoắn tinh hoàn, thậm chí ung thư tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn là một biến chứng thường xảy ra vào lứa tuổi dậy thì, ở những trẻ bị ẩn tinh hoàn chưa được mổ. Bệnh biểu hiện với đau dữ dội, đột ngột ở bìu. Vùng bìu bẹn sưng to, sờ rất đau, có thể chuyển màu tím đen. Đây là một cấp cứu tối khẩn cấp, nếu mổ muộn sau 6 giờ tính từ cơn đau đầu tiên thì khả năng phải cắt tinh hoàn bị hoại tử do xoắn là rất cao.

Phương pháp điều trị

Điều trị ngoại khoa: Với tất cả những trẻ đã quá 6 tháng tuổi mà không sờ thấy tinh hoàn ở bìu đều cần phải được khám và điều trị. Mổ hạ tinh hoàn là phương pháp điều trị cơ bản và hiệu quả nhất.

Điều trị nội khoa: Thuốc nội tiết có tác dụng giúp tinh hoàn di chuyển xuống bìu. Tuy nhiên, thuốc nội tiết có những tác dụng không mong muốn khó kiểm soát. Việc sử dụng thuốc nội tiết trong điều trị ẩn tinh hoàn phải được bác sĩ chuyên khoa xem xét theo từng trường hợp cụ thể và theo dõi sát.

BS. Lê Sĩ Trung

Cách phát hiện cúm ở trẻ nhỏ

Bệnh cảm cúm thông thường là một nhiễm trùng đường hô hấp trên gây ra bởi một trong hơn 100 loại virut. Các virut có thể gây ra cảm cúm ở trẻ bao gồm Enterovirus và Coxsackievirus. Khi trẻ đã bị nhiễm loại virut nào, bé sẽ có miễn dịch với virut đó. Nhưng vì có quá nhiều virut gây cảm cúm, nên bé vẫn bị mắc bệnh cảm cúm vài lần trong 1 năm và nhiều lần trong cuộc đời.

Vì sao trẻ nhỏ mắc cảm cúm?

Em bé có thể bị nhiễm virut trong các trường hợp: qua không khí, khi một người nào đó bị bệnh cảm cúm ho, hắt hơi hoặc nói làm bắn virut ra không khí và em bé hít phải; do lây trực tiếp: khi người bệnh chạm miệng, mũi của mình vào miệng hoặc mũi của em bé, hoặc chạm vào bàn tay của bé, sau đó bé dụi mắt hay đưa tay lên miệng mà nhiễm bệnh; một số virut có thể sống trên bề mặt đồ vật trên 2 giờ, em bé có thể nhiễm virut bằng cách chạm vào một bề mặt đồ vật bị ô nhiễm như gối, chăn, đồ chơi, quần áo...

Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi để trẻ dễ ho, tống đờm và dịch tiết, giúp thông thoáng mũi họng.

Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi để trẻ dễ ho, tống đờm và dịch tiết, giúp thông thoáng mũi họng.

Phát hiện cảm cúm ở trẻ nhỏ

Các dấu hiệu cảm cúm thông thường ở trẻ nhỏ là: mũi tắc nghẽn hoặc chảy nước mũi. Chảy nước mũi có thể rõ ràng lúc đầu, sau đó nước mũi thường trở nên đặc hơn và biến thành màu vàng hoặc màu xanh.

Vì vậy, các bà mẹ cần chú ý phát hiện và đưa con đi khám bệnh kịp thời nếu thấy các triệu chứng: trẻ sốt trên 38,9oC trong 1 ngày; dường như bé bị đau tai hay khóc và cọ bên tai đau xuống gối; mắt màu đỏ hoặc màu vàng, xuất hiện rỉ mắt; trẻ có ho kéo dài hơn một tuần; nước mũi đặc, vàng hoặc xanh trong hơn hai tuần; bé biếng ăn; ho, buồn nôn hoặc nôn; da thay đổi màu da. Trẻ có thể bị ho ra máu ít hoặc máu có lẫn trong đờm; bé khó thở hoặc là xanh tái ở niêm mạc môi và miệng.

Các biến chứng do cúm

Trẻ nhỏ bị cảm cúm nếu không được phát hiện và điều trị tích cực có thể dẫn đến một số biến chứng như sau:

Viêm tai giữa: khoảng 5-15% trẻ em cảm cúm sẽ dẫn đến một nhiễm khuẩn ở tai. Bệnh viêm tai giữa xảy ra khi vi khuẩn hoặc virut xâm nhập vào khoang tai phía sau màng nhĩ. Khi đó trẻ có biểu hiện thở khò khè; sốt; đau tai với dấu hiệu trẻ hay khóc, lắc đầu, cọ tai xuống gối; nặng hơn thấy chảy mủ tai...

Viêm xoang: nếu trẻ bị cảm cúm thông thường mà không được điều trị có thể dẫn đến viêm xoang. Đây là bệnh nhiễm khuẩn thứ cấp. Trẻ có dấu hiệu: đau trong xoang nên quấy khóc nhiều, có thể có sốt, kém ăn, khó ngủ...

Ngoài ra trẻ có thể bị viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản và thanh quản. Các bệnh lý này phải do bác sĩ khám và chẩn đoán.

Chăm sóc và điều trị cho bé

Đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh cảm cúm. Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng và nâng cao thể trạng cho bé. Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại virut cảm cúm. Cha mẹ hay người chăm sóc trẻ có thể giúp cải thiện triệu chứng cho bé như: hút đờm, nước mũi ra để làm thông thoáng đường hô hấp cho trẻ dễ thở. Nếu trẻ sơ sinh có cơn sốt 38oC hoặc cao hơn và có vẻ khó chịu, có thể cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt acetaminophen với liều lượng thích hợp với độ tuổi theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc ibuprofen có thể dùng với trẻ trên 6 tháng tuổi. Không bao giờ cho trẻ uống aspirin bởi vì nó có thể kích hoạt hội chứng Reye gây tử vong. Không cho trẻ sơ sinh uống các chế phẩm ho cảm, vì các chế phẩm này không giúp cải thiện bệnh mà còn có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Làm loãng đờm nhầy bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào mũi để trẻ dễ ho khạc đờm ra ngoài, giúp thông thoáng mũi họng. Hút mũi của bé bằng cách dùng miệng hút trực tiếp, hoặc dùng dụng cụ chuyên dụng để hút nước mũi cho bé mỗi khi bé hắt hơi hoặc chảy nhiều nước mũi. Làm ẩm không khí: dùng máy tạo độ ẩm trong phòng của bé có thể giúp cải thiện triệu chứng chảy nước mũi và nghẹt mũi. Cho bé xông nước ấm để tránh khô nẻ niêm mạc mũi, miệng.

Cần cho bé ăn uống đầy đủ, nhất là phải uống đủ nước để tăng đào thải virut ra khỏi cơ thể và để tránh mất nước. Nếu mẹ đang cho bú, cần cho trẻ bú đầy đủ như lúc trẻ còn khỏe. Bởi ngoài chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn cung cấp thêm miễn dịch bảo vệ trẻ chống lại virut gây cảm cúm.

Phòng bệnh cho bé

Cảm cúm thường lây lan qua các giọt nước bọt nhỏ từ người bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi vào không khí. Vì vậy cần tránh cho người bệnh tiếp xúc với trẻ hoặc không nên ở chung phòng với trẻ. Cần cho trẻ uống nhiều nước và rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch cho trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Người lớn cần rửa tay trước khi cho trẻ ăn hay chăm sóc cho em bé. Luôn làm sạch đồ chơi của bé và núm vú của bình bú sữa.

BS. Đinh Lan Anh

9 câu hỏi không thể bỏ qua về cúm gia cầm A/H7N9

Hiện nay, dịch cúm gia cầm H7N9 đang xảy ra ở Trung Quốc, rất gần với Việt Nam. Những giải đáp sau sẽ giúp bạn sáng tỏ về bệnh cúm A/H7N9 cũng như cách phòng ngừa.

1. Nguyên nhân của bệnh cúm và cúm gia cầm?

Do siêu vi trùng (Virus) cúm gây ra – Virus cúm gây bệnh trên người được chia 3 nhóm (A,B,C) trong đó nhóm A là phổ biến và một số trong nhóm này có thể phát thành dịch bệnh.

Virus cúm có cấu trúc hình khối cầu, trên bề mặt có nhiều thụ thể kháng nguyên, trong đó có 2 thụ thể kháng nguyên (glycoprotein) đáng chú ý là Haemaglutinin (H) và Neuraminidase/

Hiện có phân nhóm 16 H và 9 N, các tiểu nhóm này có thể thay đổi cấu trúc do vậy có những khó khăn nhất định trong việc tìm kiếm vaccine phòng và điều trị bệnh.

Một số loại cúm có liên quan đến gia cầm mà thường nghe thấy là:

H5N1 – Bird Flu (gà) 2004

H1N1 – Swine Flu (heo) 2009

H7N9 – Cúm gia cầm – từ 2013

2. Bệnh cúm gia cầm A/H7N9 có phải là loại vi rus (siêu vi trùng) mới?

Mặc dù nhóm vi rus cúm nhóm A, H7 (ví dụ H7N2, H7N3 và H7N7) thỉnh thoảng có gây nhiễm trên người, H7N9 trước đây chỉ thấy gây bệnh trên chim ở Hà lan, Nhật và Mỹ.

Nhưng bắt đầu từ 3/2013 tại Trung Quốc, trường hợp đầu tiên A/H7N9 gây bệnh trên người được báo cáo. Tính đên 16/1/2017: 918 mắc bệnh và 359 tử vong

Từ 2013-2015: Có 4 đợt dịch bệnh. Riêng cuối năm 10/2016- đầu năm 20/2/2017: đợt bùng phát thứ 5 của H7N9 với 424 người mắc bệnh

Tổng số từ đợt 1- đến 5: Thông tin gần đây nhất thì đã đó 1223 trường hợp xác định và khoảng 40% trường hợp tử vong (con số tăng lên)

Những điều cần biết về dịch cúm gia cầm A/H7N9

3. Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm A/ H7N9

A. Trên gà, vịt, chim bồ câu … - Hầu như không có biểu hiện bệnh (ngoại trừ có những con vật bị chết không rõ nguyên ro và thử nghiệm tìm ra, còn nói chung đa số không có biểu hiện bệnh). Điểm này khác với cúm gà A/H5N1 – thì gia súc bị ảnh hưởng có thể từ nhẹ đến nặng rõ ràng.

B. trên người: Sốt, ho, khó thở, có thể viêm phổi, suy hô hấp cấp, nhiễm trùng máu và suy chức năng các bộ phận trong cơ thể.

5. Cách thức lan truyền của Cúm A/H7N9:

Người bị mắc bệnh thì hiếm (không dễ dàng). Thường là tiếp xúc gần với gia cầm bị bệnh (dù sống hay chết) hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm hay ghé thăm các chợ gia cầm sống.

Tạm thời coi như chưa có lan truyền Người qua Người: Tuy nhiên cũng phải nói có vài trường hợp được coi là có lan truyền người sang người. Còn nhìn chung, H7N9 ít có nguy cơ truyền bệnh từ người sang người. (mặc dù vậy, do đặc tính cấu trúc thay đổi, Y giới luôn cần cảnh giác và theo dõi chặc chẽ. Bởi vì nếu Virus lây từ người sang người thì sẽ tạo dịch và nguy hiểm đáng kể. So với H5N1 (cúm gà) trước đây, thì H7N9 được coi là có thể lan truyền Người-Người cao hơn; (nhắc lại hơn nữa là cúm H5N1 rõ ràng trên gia súc nên dễ phát hiện hơn)

6. Điều trị bệnh cúm A/H7N9

Điều trị hỗ trợ: giảm sốt, bù đủ nước điện giải, nghỉ ngơi. Ăn uống đầy đủ

Điều trị thuốc: Oseltamivir (Tamiflu), Zanamivir (Relenza), truyền tĩnh mạch Peramivir (Rapivab)– H7N9 giống như các cúm gà khác (avian flu), không đáp ứng với nhóm thuốc kháng siêu vi trùng nhóm Adamantane.

Tuy nhiên gần đây cũng có lo ngại là kháng thuốc của A/H7N9 với Oseltamivir hay Zanamivir.

Chú ý thống kê: cần uống sớm, và đúng đối tượng (Còn lại hiệu quả giữa lợi ích và tác hại của thuốc là không đáng kể nếu người bệnh không có những bệnh lý yếu miễn dịch, hay bệnh lý đặc biệt gây kém khả năng đề kháng).

7. Phòng bệnh cúm A/H7N91

- Rửa tay: Rửa tay liên quan chuẩn bị thức ăn; chế biến hay dọn dẹp chất thải động vật. Rửa tay khi chăm sóc người bệnh.

- Vệ sinh hô hấp cũng là điều cần chú ý. Bịt miệng khi ho, bằng tay hay khăn giấy. Rửa tay, vứt khăn giấy đã qua sử dụng vào thùng rác đậy kín

- Vệ sinh ăn uống: A/H7N9 không lây truyền qua thực phẩm được nấu chín vì virus cúm sẽ bị tiêu diệt trên 70 độ C, do đó có thể ăn thịt lợn hay thịt gia cầm đã được nấu chín hoàn toàn.

Không nên ăn thịt tái, tiết canh.

Tránh ăn thịt con vật bị bệnh hoặc đã chết vì bệnh.

Cẩn trọng với nguồn gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ (như đã nói, gà vịt bị bệnh có thể không có biểu hiện nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người. VN thì càng cẩn thận vì buôn lậu biên giới, thiếu kiểm soát, thiếu trung thực khai báo…)

- Chưa có vaccine dùng cho công chúng, nhưng đang có vài vaccine trong giai đoạn kiểm nghiệm. Mục đích chính là dự phòng nếu có dịch bùng phát trên người đủ mức sẽ có thể tiến hành tiêm phòng đại trà.

8. Ăn trứng của gà vịt bị bệnh có bị không?

Lời khuyên y tế: Trứng không mang mầm bệnh, tuy nhiên nên ăn trứng nấu chín kỹ, (không đánh kem sống hay ăn lòng đào)

9. Tiêm phòng cúm mùa đông hàng năm có phòng bệnh A/H7N9 không?

Trả lời không, vì thường tiêm cúm mùa đông từ 3-5 chủng, không có phòng cho chủng này.

Vậy tiêm cúng mùa đông phòng cho Cúm Swine flu (cúm heo không)?

Thông thường là có, vì các năm gần đây, thuốc chủng ngừa cúm thường có bao gồm đề kháng cho Swine flu.

Một vài câu hỏi thường gặp khác

Có nên hạn chế đi du lịch vì cúm H7N9 không?

Không, nói rộng ra là cả du lịch Trung Quốc cũng chưa bị khuyến cáo, mà chỉ là tránh vào các chợ gia súc sống hay tiếp xúc trực tiếp với các con gà vịt (nếu chẳng may chúng bị bệnh), đảm bảo vệ sinh an toàn (theo nguyên tắc phòng bệnh ở trên).

Nếu nói bệnh nhân có tỉ lệ tử vong là khoảng 40% là rất cao, vậy bệnh có đáng ngại không?

Mặc dù tỉ lệ tử vong cao, nhưng số người mắc và nguyên tắc lây truyền vẫn chưa bị coi là dịch. Và nhất là nguy cơ lây truyền Người-Người chỉ có một vài trường hợp trong hoàn cảnh rất đặc biệt (như chăm sóc gần gũi với người bệnh) mà thôi. Nhìn chung cộng đồng chú ý tin tức chứ chưa cần phải báo động khẩn.

Bs Phan Đình Hiệp

(Melbourne Australia)

Nổi mề đay mẩn ngứa

Những hiện tượng ban đầu chính là có những vùng da sẩn đỏ, ngứa và khó chịu. Mề đay là một phản ứng viêm của da, có cơ chế phức tạp, trong đó có sự can thiệp của chất trung gian hóa học chính là histamin. Tuy là một bệnh da phổ biến, rất dễ nhận biết nhưng lại khó phát hiện nguyên nhân dù đã làm đầy đủ các xét nghiệm. Có nhiều yếu tố gây bệnh (bên trong, bên ngoài cơ thể, cơ địa) và trên một bệnh nhân, nhiều khi không chỉ có một mà gồm nhiều yếu tố cùng kết hợp.

Diễn biến bệnh

Cấp tính: xảy ra đột ngột và biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày, hay gặp ở người trẻ và nguyên nhân thường gặp là do thức ăn hoặc thuốc.

Mề đay mãn tính: kéo dài trên 6 tuần, đa số là tự phát (vô căn), trường hợp này phải dựa vào những nghiên cứu thật công phu, tỉ mỉ mới có thể tìm được nguyên nhân. Thuốc chống dị ứng chỉ giải quyết được triệu chứng tạm thời. Muốn điều trị hiệu quả thì cái chính là phải tìm cho ra nguyên nhân, đôi khi không mấy dễ dàng.

Các dạng mề đay

Mề đay thông thường: bệnh bắt đầu đột ngột, rầm rộ ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể với những sẩn phù có màu hồng, đặc biệt rất ngứa và có thể hợp lại thành mảng có giới hạn rõ lan rộng khắp người. Sau vài phút hay vài giờ thì lặn mất, không để lại dấu vết. Phát ban có thể lặn ở chỗ này và nổi ở chỗ khác.

Phù mạch (còn gọi là phù Quincke): nổi ban đột ngột làm sưng to cả một vùng (mí mắt, môi, bộ phận sinh dục ngoài, niêm mạc...), cho cảm giác căng nhiều hơn ngứa, có thể kèm theo nổi mề đay. Nếu phù ở lưỡi, thanh quản, hầu sẽ gây suy hô hấp, phải xử trí cấp cứu.

Da vẽ nổi: còn gọi là mề đay giả. Nếu dùng một vật đầu tù xát nhẹ lên da, vài phút sau, trên mặt da sẽ nổi gồ lên một vệt màu hồng. Có thể đi kèm nổi mề đay.

Ngoài ra mề đay còn có những dạng khác như: sẩn nhỏ, sẩn - mụn nước hay xuất huyết.

Mề đay hay phù Quincke có thể đi kèm với những triệu chứng toàn thân như: sốt, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu và nặng nhất là trụy tim mạch (sốc phản vệ) cần phải xử trí cấp cứu.

Điều trị bệnh mề đay

- Tốt nhất là loại bỏ yếu tố gây bệnh nếu biết.

- Tránh một số thức ăn, một số thuốc có thể gây dị ứng. Tránh các chất kích thích như: gia vị, rượu, trà, cà phê...

Trong cơn cấp:

- Ăn nhẹ, giảm muối.

- Trường hợp gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha trong nước ấm (1 phần giấm 2 phần nước) để thoa hay tắm.

- Tránh dùng thuốc mỡ kháng histamin (phenergan) thoa vì dễ gây viêm da dị ứng. Mỡ corticoides ít hiệu quả, có thể gây một số tác dụng phụ (nhất là khi thoa trên diện tích quá lớn).

Thuốc corticoides (uống hay tiêm) chỉ nên dùng trong điều trị mề đay cấp, nặng, kèm phù thanh quản. Một số trường hợp nổi mề đay do viêm mạch, mề đay do chèn ép không đáp ứng với các thuốc kháng histamin thông thường, không nên dùng để điều trị mề đay mạn tính tự phát.

Đối với mề đay mãn tính: vì thường có liên quan tới các bệnh lý bên trong nên bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa khám, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.

BS. TRẦN LAN ANH

Trị viêm phế quản có khó không?

Tôi có con nhỏ, cứ mùa đông - xuân là cháu hay bị viêm phế quản. Xin cho biết chữa trị có khó không?

Mai Văn Hà (Nam Định)

Muốn biết con bạn có bị viêm phế quản hay không, bạn cần đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Tuy nhiên, việc điều trị viêm phế quản xoay quanh hai vấn đề: liệu pháp kháng sinh và điều trị triệu chứng. Nhưng có tới hơn 90% viêm phế quản là do virut, do đó không nên sử dụng liệu pháp kháng sinh. Kháng sinh chỉ được sử dụng khi viêm tiểu phế quản do vi khuẩn, bội nhiễm với tình trạng sức khỏe xấu, sốt kéo dài, nghi ngờ ho gà... Do đó, vấn đề đặt ra là nên điều trị triệu chứng và chăm sóc bé như thế nào để mau hồi phục sức khỏe.

Biện pháp hạ sốt: Có hai loại thuốc hạ sốt quan trọng là paracetamol và ibuprofen. Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao (trên 38,5 độ). Với những trẻ có bệnh lý tim, phổi, thần kinh... cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc hạ sốt. Lưu ý rằng hoạt chất này có rất nhiều trong các sản phẩm thuốc giảm đau hạ sốt, cảm cúm... do đó cần đọc kỹ trước khi cho trẻ uống thuốc nhằm tránh quá liều. Biện pháp lau mát hạ sốt không nên sử dụng thường xuyên. Bạn cũng không nên sử dụng miếng dán hạ sốt vì gần như không mang lại hiệu quả. Nếu con bạn chỉ bị sốt ở mức độ vừa phải (bé không tỏ ra mệt mỏi, quấy khóc) thì không nên sử dụng thuốc hạ sốt, bởi phản ứng sốt sẽ giúp bệnh nhanh khỏi hơn là cố tình hạ sốt bằng mọi giá.

Trị viêm phế quản có khó không?Cần đưa trẻ đi khám bệnh để có chỉ định dùng thuốc trị viêm phế quản. Ảnh: TM

Biện pháp giảm ho: Nếu bé dưới 2 tuổi thì không dùng thuốc giảm ho, bởi ho là một phản xạ có lợi để tống đờm, vi khuẩn ra ngoài và giúp bệnh mau khỏi hơn. Khi trẻ ho nhiều dẫn đến nôn ói, mất ngủ... bạn có thể áp dụng một số cách an toàn như massage gan bàn chân; uống mật ong pha loãng với nước ấm, giữ ấm cho trẻ. Thường trẻ chỉ ho nhiều trong tuần đầu tiên sau đó sẽ giảm dần và tự khỏi.

Biện pháp trị sổ mũi, nghẹt mũi: Không dùng các thuốc kháng histamin và các thuốc chống sung huyết mũi để làm thông khô mũi trẻ vì nguy cơ tác dụng phụ cao, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi. Nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Không cần khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản nếu trẻ không có khò khè, hoặc khò khè nhưng không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.

Thuốc làm loãng đờm: Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có tác dụng làm loãng đờm, giảm độ dính của đờm như acetylcystein, bromhexin, carbocystein... Tuy nhiên, hiệu quả của những thuốc này ở trẻ em khá hạn chế. Thuốc chỉ phát huy tác dụng khi trẻ được uống đủ nước. Nước có tác dụng làm loãng đờm rất tốt, vì vậy khuyến khích trẻ uống nhiều nước là biện một pháp điều trị hỗ trợ quan trọng.

Khí dung thuốc giãn phế quản: Khi trẻ có hiện tượng khò khè do co thắt phế quản có thể cho trẻ thuốc giãn phế quản dùng qua khí dung, tuy nhiên chỉ khí dung nếu tình trạng khò khè có cải thiện phần nào sau phun, do vậy cần thiết khí dung tại cơ sở y tế và bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả của thuốc. Không nên sử dụng các thuốc giãn phế quản đường uống vì hiệu quả thấp mà lại có tác dụng phụ như: run tay, hồi hộp, đánh trống ngực, đỏ mặt...

Thuốc kháng virut: Bác sĩ có thể cân nhắc cho bé sử dụng thuốc này nếu nghi ngờ tác nhân là virut cúm, thuốc kháng virut cúm nếu cho cần cho sớm trong 36 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng.

BS. Trần Văn Công