Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Chủ động phòng bệnh tim bẩm sinh

Tôi 32 tuổi, mới mang thai ở những tuần đầu. Tôi nghe nhiều người nói, trong quá trình mang thai nếu sức khỏe không tốt có thể dẫn đến trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nên rất lo lắng. Xin bác sĩ tư vấn các dấu hiệu bệnh và cách đề phòng căn bệnh nguy hiểm này.

Hà Hương (Vũng Tàu)

Ở Việt Nam, theo báo cáo của các bệnh viện nhi, tỷ lệ bệnh tim bẩm sinh (TBS) là khoảng 1,5% trẻ vào viện và khoảng 30-55% trẻ vào khoa tim mạch.

Bệnh TBS nếu không được phát hiện sớm có thể gây tử vong đáng tiếc do rối loạn tuần hoàn cấp tính. Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ sau đây, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám: trẻ hay ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), thường bị viêm phổi; trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi. Trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân, tăng lên khi khóc, khi rặn, khi bú...; trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường (chậm mọc răng, chậm biết lật, bò...).

Muốn ngừa bệnh TBS cho trẻ, người mẹ cần quan tâm đến những vấn đề sức khỏe trước và trong khi mang thai: cải thiện môi trường đang sống, tránh để ô nhiễm; tránh các tác nhân vật lý, hóa học, chất độc, các loại thuốc an thần, nội tiết tố, rượu, thuốc lá...; tiêm phòng đầy đủ hoặc tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh do siêu vi gây ra như Rubella, quai bị, Herpes, Cytomegalovirus, Coxsaskie B...; nếu người mẹ có các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, Lupus ban đỏ lan tỏa... thì cần điều trị sớm.

BS. Quang Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét